Chào mừng bạn đến với cổng thông tin Trung tâm Y tế Huyện Đan Phượng

Hưởng ứng Ngày Hen toàn cầu 2025: "Hành động để các phương pháp điều trị dạng hít có thể tiếp cận được với tất cả mọi người"

05/05/2025

Ngày Hen toàn cầu là sự kiện thường niên do Tổ chức Toàn cầu Phòng chống Hen phế quản (GINA) khởi xướng từ năm 1993, dưới sự hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sự kiện được tổ chức vào thứ ba đầu tiên của tháng 5 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh hen phế quản, bệnh lý hô hấp mạn tính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Hen phế quản nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời
có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Chủ đề của Ngày Hen toàn cầu năm 2025:

"Hành động để các phương pháp điều trị dạng hít có thể tiếp cận được với tất cả mọi người"

 Thông điệp này nhấn mạnh sự cần thiết của việc thu hẹp khoảng cách trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hen, đảm bảo mọi người, bất kể địa vị, điều kiện kinh tế hay khu vực sinh sống đều được tiếp cận phương pháp điều trị hiệu quả, đặc biệt là các loại thuốc hít dạng steroid liều thấp.

Hen phế quản – Gánh nặng không thể xem nhẹ

Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính đường thở, gây co thắt và tăng tiết dịch, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn luồng khí trong phổi. Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng như khò khè, khó thở, tức ngực và ho – đặc biệt vào ban đêm hoặc gần sáng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và không lây nhiễm, nhưng có thể bị khởi phát do nhiễm virus đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Theo các chuyên gia y tế, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh hen có thể kiểm soát tốt và người bệnh có thể sinh hoạt, làm việc và tập thể dục bình thường.

Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường thở

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh hen

Dị nguyên đường hô hấp: Bụi nhà, phấn hoa, lông thú, khói thuốc, nấm mốc…

Dị nguyên thực phẩm: Hải sản, trứng, lạc, sữa…

Tác nhân nhiễm khuẩn: Viêm mũi, họng, xoang, amidan…

Thuốc: Một số loại như aspirin, penicillin…

Di truyền: Tiền sử gia đình có người mắc bệnh hen.

Tâm lý: Stress, lo âu, chấn động tâm lý…

Những người có cơ địa dị ứng hoặc có người thân mắc bệnh hen phế quản là nhóm nguy cơ cao, cần đặc biệt lưu ý trong việc phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm.

Chẩn đoán và điều trị bệnh hen phế quản

Việc chẩn đoán hen phế quản thường dựa trên thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh và thực hiện các xét nghiệm đo chức năng hô hấp (hô hấp ký). Nếu chức năng phổi được cải thiện sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản, đó là dấu hiệu điển hình của bệnh hen.

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là sử dụng thuốc hít corticosteroid liều thấp – vừa kiểm soát triệu chứng, vừa hạn chế tác dụng phụ toàn thân.

Phòng ngừa bệnh hen phế quản

Để phòng ngừa hiệu quả và giảm nguy cơ khởi phát cơn hen, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên như bụi nhà, lông động vật, nấm mốc, khói thuốc.

Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên giặt giũ chăn màn, hút bụi.

Đeo khẩu trang khi ra đường, tránh tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vitamin C và thực phẩm tăng sức đề kháng.

Tập thể dục đều đặn nhưng không quá sức, tránh tập ngoài trời lạnh.

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi.

Chủ động thực hiện tầm soát và khám định kỳ tại các cơ sở y tế.

Ngày Hen toàn cầu là dịp để nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin và cùng hành động nhằm giảm thiểu tác động của bệnh hen phế quản đến sức khỏe cộng đồng.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận