Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây truyền qua đường hô hấp. Một người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người khác. 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Triệu chứng ban đầu của bệnh sởi bao gồm sốt, ho, chảy nước mũi và phát ban.
Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 40.000 ca nghi mắc sởi, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Đặc biệt, khu vực miền Nam chiếm tỷ lệ cao nhất với 57% tổng số ca mắc. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 7/3 đến ngày 14/3), toàn thành phố ghi nhận 131 trường hợp mắc sởi, 0 tử vong.
Theo CDC Hà Nội nhận định, số mắc sởi trong tuần tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo tiếp tục ghi nhận các ca bệnh trong thời gian tới.
Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng đã và đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi mũi 2 cho trẻ 1-5 tuổi và tiêm một mũi vắc xin sởi cho trẻ từ 6-8 tháng tuổi tại các Trạm y tế xã/thị trấn.
Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng khuyến cáo:
- Đối với trẻ từ 6 tháng - 5 tuổi: Hãy đưa trẻ đến Trạm Y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin Sởi đầy đủ, đúng lịch.
- Đối với trẻ trên 5 tuổi và người lớn: Hãy đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và có thể tiêm bổ sung vắc xin Sởi nhằm củng cố miễn dịch cho cơ thể. Thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Hãy chủ động phòng bệnh Sởi cho bạn và gia đình